Trên tay Quý độc giả là số 2, tập 1, Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội với 8 bài nghiên cứu và 1 bài điểm sách.
Bài viết đầu tiên của Phạm Quang Minh nghiên cứu quá trình đổi mới tư duy về đối ngoại của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á trong gần 3 thập kỷ qua, nhấn mạnh đến sự vận động của tư duy đối ngoại của Việt Nam đối với khu vực qua các giai đoạn chiến tranh lạnh, hậu chiến tranh lạnh và đầu thế kỷ 21. Ở bài nghiên cứu thứ 2, về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ Đổi mới, Vũ Trường Giang đã khẳng định trải qua 3 thập kỷ đổi mới, các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế-văn hóa xã hội của đất nước, qua đó đã tạo được nhiều chuyển biến về đời sống của người dân tộc thiểu số.
Bài tiếp theo đề cập đến các vấn đề cụ thể trong nghiên cứu về hệ giá trị của người trưởng thành theo lý thuyết của Schwarz. Trương Thị Khánh Hà qua nghiên cứu thực nghiệm đã chỉ ra rằng người Việt Nam cũng như mọi công dân khác đều đề cao những giá trị về sự an toàn của đất nước, của bản thân, nhất là về lòng nhân ái, sự bình đẳng và hòa bình. Tuy nhiên người Việt Nam ít coi trọng giá trị độc lập trong suy nghĩ, sáng tạo. Trần Thành Nam trong nghiên cứu trị liệu tâm lý qua mô hình định hình trường hợp có phác họa một mô thức nghiên cứu nhằm áp dụng các liệu pháp nhận thức, hành vi, xúc cảm để trị liệu cá nhân có vấn đề trầm cảm. Vấn đề đào tạo môn học giới trong các trường đại học ở Việt Nam được tác giả Hoàng Bá Thịnh đề cập và được xem như một trong những nỗ lực quan trọng để góp phần tạo sự bình đẳng giới mặc dù hoạt động đào tạo này mới được lồng ghép vào các chương trình đào tạo trong thời gian gần đây. Đỗ Văn Hùng trong bài viết của mình đã nhấn mạnh đến vai trò của quản trị thông tin trong kỷ nguyên kinh tế tri thức thông qua đánh giá về thực trạng đào tạo quản trị thông tin ở Việt Nam hiện nay. Qua nghiên cứu tại làng Đồng Kỵ Nguyễn Văn Sửu và Chu Thu Hường đã phác họa và phân tích những biến đổi về không gian tại đây để đề xuất cách tiếp cận không gian trong những nghiên cứu nhân học về biến đổi làng xã trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở Việt Nam hiện nay. Bài nghiên cứu của Nguyễn Thu Hiền đề cập đến xu hướng chuyển thể phim trong trào lưu sáng tác văn học và nghệ thuật thông qua một nghiên cứu cụ thể về bộ phim "Sống" của đạo diễn Trương Nghệ Mưu (Trung Quốc).
Ở phần điểm sách, Nguyễn Minh có bình luận ấn phẩm "Vô vị lợi-vì sao nền dân chủ cần các môn học nhân văn" (Bùi Thanh Châu dịch), do Ban Tu thư Đại học Hoa Sen và Nxb Hồng Đức phát hành năm 2015. Đây là cuốn sách đề cập đến triết lý giáo dục khai phóng trong tương quan với giáo dục lợi ích ở nhiều xã hội đương đại.
Việc công bố số 2 của Tạp chí trong năm 2015 là sự nỗ lực không nhỏ của đội ngũ biên tập viên, sự đầu tư quan trọng và cần thiết của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, đồng thời cũng từng bước khẳng định được mối quan tâm của các nhà khoa học đối với sự phát triển của Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn. Ban Biên tập Tạp chí xin gửi lời cảm ơn tới các tác giả đã gửi bài cho Tạp chí trong thời gian qua, cảm ơn các nhà khoa học trong và ngoài nước đã tham gia phản biện các bài viết cho số 2 này. Số tiếp theo của Tạp chí năm 2015 sẽ được xuất bản bằng tiếng Anh, dự định ra mắt vào cuối tháng 12/2015.
Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu và mong nhận được sự góp ý, đóng góp cho sự phát triển của Tạp chí từ các nhà khoa học và quý độc giả.Tác giả: Lâm Thị Mỹ Dung
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn