Năm 1992, tạp chí Thu hoạch kỳ 6 đăng tải tiểu thuyết Sống của nhà văn Dư Hoa. Năm 1993, đạo diễn Trương Nghệ Mưu chuyển thể tác phẩm văn học này thành bộ phim điện ảnh cùng tên dài 133 phút. Năm 1994, bộ phim đạt ba giải thưởng tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 47: Giải thưởng lớn do Hội đồng giám khảo bình chọn, Giải thưởng dành cho Nam diễn viên chính xuất sắc với vai diễn Phúc Quý của Cát Ưu và Giải thưởng tinh thần nhân đạo.
Tiểu thuyết Sống viết về cuộc đời thăng trầm của nhân vật Phúc Quý trải dài qua hơn bốn thập kỷ với những biến cố trọng đại của lịch sử hiện đại Trung Quốc cùng những cái chết lần lượt của những người thân nhất trong gia đình ông. Tác phẩm nói về nhiều cái chết thương tâm để thể hiện một thái độ, một cái nhìn mang màu sắc của “chủ nghĩa tiên phong” về sự sống của nhà văn Dư Hoa. Khi chuyển thể thành phim điện ảnh, đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã có những thay đổi nhất định trong nội dung cốt truyện, nhân vật, tình tiết so với tác phẩm văn học ban đầu. Những cải biên này đã khiến cho câu chuyện về cuộc đời nhân vật Phúc Quý không còn chỉ là số phận bi kịch của một cá nhân, mà trở thành ẩn dụ cho bi kịch lịch sử của một dân tộc.
Bài viết tìm hiểu và lý giải về trường hợp chuyển thể bộ phim Sống (To live) trong mối liên hệ với các trào lưu sáng tác văn học và nghệ thuật những năm 80, 90 tại Trung Quốc, từ đó thấy được dấu ấn thời đại và dấu ấn cá nhân của đạo diễn thể hiện trong quá trình sáng tạo nên tác phẩm điện ảnh này.
Tác giả: Lâm Thị Mỹ Dung
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn