Hội thảo "Quan hệ quốc tế ở Đông Á trong bối cảnh mới của khu vực"
Hội thảo được tổ chức trong 02 ngày: 27-28/6/2016 tại hội trường tầng 8 nhà E, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Hà Nội do Nhà trường phối hợp với Quỹ người Hàn quốc tế tổ chức. Tham dự Hội thảo có: Tiến sĩ Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Lee Hyuk; Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov; Chủ tịch Ủy ban tổ chức Diễn đàn Dân tộc Hàn thế giới Rhee Tshangchu; PGS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Nhân văn, các cựu nghị sĩ Hàn Quốc, cùng đông đảo các nhà khoa học của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Việt Nam.
Tại Hội thảo, các học giả, chuyên gia trong nước và quốc tế đã tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu về các vấn đề thời sự của khu vực Đông Á, với 6 phiên chính thức:
Phiên 1: Một Việt Nam thống nhất và Bán đảo Triều Tiên với các báo cáo: Những thách thức quốc tế và trong nước trong việc thống nhất Bán đảo Triều Tiên; Tiến trình đi đến thống nhất hòa bình Bán đảo Triều Tiên vì một cộng đồng các quốc gia Đông Á hợp tác; Chiến thắng vĩ đại mùa xuân 1975 trong bối cảnh và tiến trình hội nhập của Việt Nam; Định hướng ngoại giao cho việc thống nhất Bán đảo Triều Tiên.
Phiên 2: Trật tự mới ở Đông Á trong thế kỷ XXI và Bán đảo Triều tiên với các báo cáo: Đối thoại liên Triều trong bối cảnh lịch sử và chính trị của khu vực Đông Á; Triển vọng thống nhất hai miền Nam-Bắc Triều Tiên và việc thành lập cộng đồng khu vực Đông Á: Tham khảo sự thống nhất nước Đức và Châu Âu; Sự suy yếu cơ chế an ninh trên Bán đảo Triều Tiên năm 2015-2016 và vị thế của Liên Bang Nga.
Phiên 3: Ly tán và thống nhất gồm các báo cáo: Chế độ chính trị và những nguyên tắc luật pháp cơ bản của một Hàn Quốc thống nhất; Yếu tố lãnh đạo và chủ nghĩa dân tộc trong tiến trình thống nhất nước Việt Nam; Yếu tố ảnh hưởng đến thành tựu kinh tế của Việt Nam và Triều Tiên; Các yếu tố ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai miền Triều Tiên
Phiên 4: Mô thức mới trong đàm phán về việc thống nhất Bán đảo Triều Tiên với một số báo cáo: Mô thức mới trong đàm phán về việc thống nhất Bán đảo Triều Tiên; Các yếu tố tác động đến khủng hoảng hạt nhân Bán đảo Triều Tiên và giải pháp...
Phiên 5: Vai trò đương đại của khoa học nhân văn và kinh tế bao gồm các báo cáo: Xóa bỏ sự chia rẽ và thống nhất nền kinh tế-Con đường đưa đến một Hàn Quốc vĩ đại hơn; vai trò của khoa học xã hội và Nhân văn trong quá trình thống nhất đất nước;...
Phiên 6: Cộng đồng người Hàn và Doanh nghiệp Hàn Quốc trên thế giới với các báo cáo: Những tác động tích cực của cộng đồng người Hàn Quốc ở nước ngoài đến việc thống nhất bán đảo Triều Tiên; Hàn Quốc thống nhất và vai trò của hòa giải cộng đồng người Hàn tại cộng đồng các quốc gia độc lập...
--------------------------
Thuyết trình chủ đề "Quyết định lịch sử 2016: Bầu cử Mỹ, Tổng thống và Nhà nước Dân chủ Hoa Kỳ"
GS. Marie Gottschalk, Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ đã tới thăm và thuyết trình trước cán bộ và sinh viên Nhà trường về cập nhật tình hình bầu cử ở Mỹ 2016. Tham dự buổi tọa đàm có PGS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Nhà trường, cùng các thầy cô, giảng viên, sinh viên học viên quan tâm đến chủ đề này. Nội dung bài thuyết trình của GS. Marie Gottschalk tập trung vào 3 chủ đề chính: Những nguyên nhân tại sao có hiện trạng tranh cử như hiện nay, giữa Tỷ phú Donald Trump và Ngoại trưởng Hillary Clinton; Tám biểu hiện đến với hành trình tranh cử ứng viên tổng thổng và kịch bản nào sẽ diễn ra với nước Mỹ.
GS. Marie Gottschalk cho rằng, khi nghĩ đến Tổng thống Hoa Kỳ, người ta thường nghĩ đến tính cách đặc biệt của họ. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, thông qua truyền thông, họ có thể tự kết nối, quảng bá bản thân. Ngoài ra còn có thể khai thác công cụ mạng xã hội để tìm đến và tác động tới công chúng, xã hội, điều này đã làm cho người dân quan tâm đến Tổng thống nhiều hơn là Quốc hội. Với công chúng, qua các phương tiện truyền thông như những đấng cứu thế, Tổng thống có thể giải quyết được bất cứ việc gì. Nó sẽ dẫn tới một kịch bản: Khi quyền năng tập trung vào một người, trách nhiệm tập thể sẽ giảm đi. Khía cạnh tiêu cực của vấn đề này là Tổng thống sẽ yếu về mặt nền tảng, có thể bị cô lập trong các sự kiện lớn, không thể huy động được tập thể mà chỉ có thể trông chờ vào nhóm nhỏ của mình. GS. Marie Gottschalk nhấn mạnh thêm khi Tổng thống xây dựng hình ảnh sẽ làm cho Tổng thống dễ bị tổn thương.
Về khía cạnh chính trị, các đảng phái giữ vai trò rất quan trọng quyết định đến thắng lợi của cuộc tranh cử. GS. Marie Gottschalk đưa ra minh chứng về hoạt động gây quỹ cho tranh cử. Nguồn kinh phí sẽ tiêu tốn rất nhiều cho các hoạt động quảng cáo, thăm dò công chúng, tuyển bộ người cho đảng và các hoạt động tổ chức tranh cử. Do đó các đảng phái chính trị phải đi nhiều nơi để tìm kiếm nguồn trợ. Nước Mỹ 10 năm tổng điều tra dân số lại một lần, việc điều tra này sẽ ảnh hưởng đến việc phân bổ lại các "hạt bầu cử" theo các bang. Thường bang nào có dân số lớn sẽ có hạt bầu cử lớn và việc chiến thắng ở các bang sẽ là những nhân tố ảnh hưởng rất lớn đến thắng lợi khi tranh cử. Ngoài ra, GS. Marie Gottschalk cũng đưa ra những quan điểm luận giải về tình trạng phân cực đậm nét trong chính trị Hoa Kỳ; sự ảnh hưởng của cơ cấu lưỡng viện Hoa Kỳ; vai trò tài chính; vấn đề gia đình trị... Trao đổi về nội dung ứng cử viên Tổng thống nào trong tương lai sẽ có sự ảnh hưởng tích cực đến tình hình biển Đông và khu vực ASEAN, GS. Marie Gottschalk đưa ra nhận định khả quan hơn về ứng cử viên Hillary Clinton, nhưng GS. Marie Gottschalk cũng chia sẻ thêm về nhân vật này, bởi bà Clinton lại chính là người bỏ phiếu ủng hộ cho các cuộc chiến của Mỹ tại Irac, Syria, Lybia,...
Marie Gottschalk là giáo sư ngành khoa học chính trị tại Đại học Pennsylvania, chuyên nghiên cứu về thể chế chính trị Mỹ và chính sách công. Các công trình, đặc biệt là sách của Bà, xuất bản các năm 2000, 2006 và gần nhất là 2014, đều xoay quanh chủ đề về tư pháp hình sự, chính sách y tế, chủng tộc, sự phát triển của nhà nước phúc lợi và các quan hệ doanh nghiệp-lao động. Trong đó, cuốn chuyên khảo "Nhà tù và Giá treo cổ: Chính trị giam giữ hàng loạt tại Mỹ" được Hội Sử gia Hoa Kỳ trao tặng Giải thưởng Ellis W. Hawley, năm 2007. Là cựu nhà báo và biên tập viên, Giáo sư Gottschalk đã từng làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, thành viên Ủy ban Nghiên cứu Đánh giá về Nguyên nhân và Hậu quả của Tỉ lệ tống giam cao tại Mỹ.
---------------------------------
Tọa đàm: “Quy tụ, Nhất thống, Đoàn kết và Thống nhất: Những cách thức cố kết các cộng đồng của Việt Nam xuyên suốt 2500 năm lịch sử"
Đó là tên buổi thuyết trình của GS. Liam Kelley, Đại học Hawaii tại Manoa (Hoa Kỳ). Buổi thuyết trình diễn ra tại phòng 506 Nhà E, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, vào ngày 07/07/2016. Tới dự buổi thuyết trình có PGS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), các cán bộ, giảng viên của Trường và Khoa Lịch sử, đông đảo các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, cùng các nghiên cứu sinh và sinh viên của Khoa Lịch sử. Trong bài thuyết trình, GS. Liam Kelley đã phân tích và lý giải quá trình nhất thể hóa của dân tộc Việt Nam bằng một góc nhìn mới. Ông cũng đặt quá trình thống nhất của lịch sử Việt Nam vào bối cảnh lịch sử chung của thế giới và rút ra những so sánh cần thiết. Theo GS. Liam Kelley, trong lịch sử, Việt Nam đã trải qua 4 hình thức nhất thể hóa sau: Quy tụ, nhất thống, đoàn kết và thống nhất.
Thứ nhất là quy tụ. Quá trình này diễn ra từ thủa sơ khai của lịch sử Việt Nam cho tới thời kỳ Âu Lạc. Vào thời kỳ này, các lãnh tụ và thủ lĩnh sẽ sử dụng quyền uy và sức mạnh để tập hợp người dân lại với nhau. Điều này tương ứng với khái niệm “người lãnh đạo quyền uy” (charismatic leader) mà nhà xã hội học Max Weber đã nhắc đến. Ngoài ra, ở Việt Nam, trống đồng được sử dụng để quy tụ các cộng đồng nhỏ lại với nhau. Theo GS. Liam Kelley, âm thanh của trống đồng sẽ vang lên trong một phạm vi nhất định và quy tụ người dân lại. Điều này tương tự như việc sử dụng tiếng chuông trong nhà thờ ở phương Tây để tập hợp các con chiên.
Giai đoạn thứ hai được đánh dấu bằng sự khước từ văn hóa trống đồng và tiếp nhận văn hóa Đông Á. Trung Quốc là đất nước khởi đầu cho sự thay đổi này. Trung Quốc coi nền văn hóa của mình là trung tâm của Đông Á và những nền văn hóa khác là ngoại lai hoặc là sản phẩm của quá khứ. Dưới ảnh hưởng này, giới tinh hoa chính trị ở Việt Nam tập hợp lại với nhau thành một lực lượng cai trị để thúc đẩy văn hóa Đông Á. Văn hóa trống đồng vẫn tồn tại nhưng chỉ trong phạm vi những cộng đồng nhỏ mà thôi. GS. Liam Kelley gọi đây là giai đoạn “nhất thống”, nhằm chỉ sự “chính thống” của văn hóa Đông Á so với những nền văn hóa khác.
Giai đoạn thứ ba kéo dài từ cuối thế kỷ XIX cho tới khoảng giữa thế kỷ XX và được GS. Liam Kelley gọi là “đoàn kết”. Trước sự suy tàn của chế độ phong kiến ở Việt Nam và sự xâm lược của thực dân Pháp, Việt Nam bắt đầu tiếp thu những tư tưởng và văn hóa của phương Tây. Nổi bật nhất trong những yếu tố này là khái niệm “dân tộc” (nation) hiện đại. Khái niệm này được người Pháp truyền bá ở Việt Nam thông qua những cải cách giáo dục như cải cách hệ thống giáo dục (theo kiểu Pháp), chữ viết (chữ Quốc ngữ) cũng như chính thức giảng dạy lịch sử Việt Nam trong chương trình đào tạo. Ngoài ra, những phong trào Duy tân cũng phát triển và góp phần đem yếu tố phương Tây vào văn hóa Việt Nam. Theo GS. Liam Kelley tất cả những điều này tạo ra trong người Việt Nam một ý thức chung về dân tộc và đoàn kết họ lại với nhau.
Giai đoạn cuối cùng được đánh dấu bằng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của người dân Việt Nam. Theo GS. Liam Kelley, trong thời kỳ này, chủ nghĩa dân tộc đã được đẩy cao lên mức tuyệt đối. Điều này tạo ra sức mạnh tổng lực trong cuộc chiến với thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ngoài ra, trống đồng được khai quật và khôi phục để trở thành biểu tượng của dân tộc Việt Nam. Xét ở góc độ so sánh, quá trình phi thực dân hóa cũng diễn ra ở nhiều nước khác trong khu vực và cũng góp phần đẩy mạnh chủ nghĩa dân tộc ở mỗi nước.
Sau phần thuyết trình, các cử tọa đã trao đổi và đặt câu hỏi cho GS. Liam Kelley về những vấn đề như vai trò của giới, chủng tộc và huyết thống trong quá trình thống nhất của dân tộc Việt Nam, sự liên hệ giữa khái niệm “dân tộc” và “tư cách công dân”, những nhận thức khác nhau về khái niệm dân tộc trong lịch sử Việt Nam, bản sắc của dân tộc Việt Nam…
Liam Christopher Kelley (黎明愷/Lê Minh Khải) là một trong số khá ít sử gia Mỹ nghiên cứu về Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại, được biết đến với những công trình, quan điểm khá gai góc về Sơ sử Việt Nam, cũng như về mối quan hệ văn hóa, lịch sử giữa Việt Nam và đế chế phương Bắc. GS.TS Kelley giảng dạy lịch sử Đông Nam Á cho Đại học và Sau Đại học tại Đại học Hawaii-Manoa (Hoa Kỳ). Cùng với GS.TS Phan Lệ Hà (ĐH Hawaii), Liam Kelley đồng sáng lập ra Diễn đàn Kết nối Việt Nam (Engaging with Vietnam) từ năm 2010, đến nay đã được 8 kỳ Hội thảo.
-----------------------------------------
Hội thảo "Nghiên cứu, giảng dạy Việt Nam học và Tiếng Việt: Những vấn đề lý luận và thực tiễn"
Ngày 23/7/2016, Hiệu trưởng Phạm Quang Minh tham dự hội thảo “Nghiên cứu, giảng dạy Việt Nam học và Tiếng Việt: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Đây là hội thảo liên khoa lần thứ XII do Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn Hà Nội và Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.
Hội thảo là hoạt động truyền thống hàng năm giữa hai khoa nhằm tạo cơ hội cho các nhà khoa học chia sẻ các nghiên cứu mới, qua đó thúc đẩy hơn nữa hoạt động hợp tác nghiên cứu và đào tạo về Tiếng Việt và Việt Nam học.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Phạm Quang Minh đánh giá cao quan hệ hợp tác hiệu quả và lâu năm giữa hai khoa như một hình mẫu tiêu biểu của hợp tác phát triển giữa hai Đại học quốc gia của đất nước. Chính sự kết nối này đã góp phần đem đến những thành quả đáng ghi nhận của hai khoa trong thời gian vừa qua trên nhiều lĩnh vực.
Năm 2015, Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn Hà Nội đã đi tiên phong và hoàn thành xây dựng "Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài". Tháng 6/2016 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành định dạng đề thi theo khung đánh giá năng lực này. Đây là một dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và thể hiện năng lực, uy tín của đội ngũ cán bộ khoa học của Nhà trường nói chung và của Khoa Việt Nam học và tiếng Việt nói riêng. PGS.TS Phạm Quang Minh đề nghị sắp tới, Khoa cần quan tâm đến việc phổ biến khung đánh giá năng lực này đến các cơ quan, tổ chức có liên quan trong và ngoài nước, có kế hoạch cử cán bộ sang các đơn vị đối tác để tập huấn cách sử dụng và ứng dụng khung đánh giá này trong thực tế.
PGS.TS Phạm Quang Minh cũng nhấn mạnh rằng chưa bao giờ ngành Việt Nam học và Tiếng Việt lại đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ như thời điểm hiện tại. Những chuyến thăm của các nguyên thủ nước ngoài, sự “đổ bộ” mạnh mẽ của các doanh nghiệp, công ty nước ngoài vào Việt Nam… đã giúp Việt Nam học ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng. Đó là thời cơ tốt để Khoa suy ngẫm và tìm ra những giải pháp đưa ngành học này lên một tầm cao phát triển mới, tiếp cận rộng rãi hơn đến đông đảo các đối tượng khác nhau trong xã hội.
Tác giả: Lâm Thị Mỹ Dung
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn