Trên tay quý đọc giả là tập 2 số 2b, chuyên san Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn các nghiên cứu của giảng viên trẻ và học viên sau đại học. Với 11 bài viết, số chuyên san thứ hai này sẽ góp phần cung cấp thêm bức tranh đa chiều hơn về hoạt động và kết quả nghiên cứu khoa học tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ở bài viết đầu tiên, Trần Thị Quang Hoa bàn luận một số nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh về hệ thống chính trị Việt Nam. Tác giả có nhấn mạnh các khía cạnh cụ thể về nền tảng và mục tiêu, các thành tố cơ bản của hệ thống chính trị, và đặt ra những vấn đề cho xây dựng đất nước độc lập-tự do. Nguyễn Thị Hoài An thông qua tổng lược các nghiên cứu về năng lực y tế cơ sở từ các vấn đề cơ bản: Khái niệm, cách tiếp cận, lý thuyết và phương pháp để chỉ ra những định hướng nghiên cứu chung về xã hội học y tế, một lĩnh vực nghiên cứu mới ở Việt Nam. Trong nghiên cứu về hành vi ủng hộ xã hội, Nguyễn Tuấn Anh đã khái lược hệ thống các lý thuyết của xã hội học, tâm lý học, sinh học-tiến hóa để đi vào lý giải và phân tích nguồn gốc của hành vi ủng hộ xã hội. Ở bài viết thứ tư, khi nghiên cứu về người cao tuổi tại Hà Nội, Mai Tuyết Hạnh nhận diện trợ giúp xã hội thường xuyên cho người cao tuổi như một trụ cột cơ bản trong hệ thống an sinh xã hội hiện nay.
Trí tuệ của cảm xúc là một dạng năng lực có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống con người. Trần Hà Thu nghiên cứu về mối quan hệ giữa trí tuệ cảm xúc và kết quả học tập ở lứa tuổi thiếu niên, và có cho rằng chỉ số xúc cảm tỉ lệ thuận với điểm số học tập, do đó gia đình và nhà trường cần có hình thức rèn luyện, giáo dục trí tuệ cảm xúc cho trẻ. Tác giả Bùi Thị Thu Vân, qua nghiên cứu thực địa tại Hà Giang đánh giá những vấn đề đặt ra cho phát triển du lịch dựa vào cộng đồng ở địa phương này, khi nhận diện được mức độ tham gia còn thấp của người dân.
Từ khảo cứu các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, tác giả Nguyễn Ngọc Phú cho rằng có sự rạn nứt tư tưởng trung quân để hình thành tư tưởng trung nghĩa. Nghiên cứu này đã đem đến cho người đọc có thêm cách nhận thức về Nguyễn Đình Chiểu. Ở khía cạnh ngôn ngữ học, Đinh Thị Xuân Hạnh có đi vào phân tích sự liên kết, mạch lạc trong cấu trúc nghĩa của gần 600 bài viết trên Tạp chí khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội (lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn) và cho thấy sự liên kết từ vựng là phổ biến, trong khi phương thức thế, tỉnh lược lại chiếm rất ít. Cũng từ góc độ ngôn ngữ học, thông qua các bài hát tiếng Anh và tiếng Việt, Tạ Thị Thu Hằng có so sánh được hình ảnh mẹ từ quan điểm ngôn ngữ học chức năng và hệ thống.
Trong bài viết thứ mười, tác giả Dương Tất Thành khảo cứu quá trình quy hoạch đô thị Hà Nội của người Pháp, để từ đó nhìn ra những kinh nghiệm và bài học trong giải quyết các vấn đề quy hoạch đô thị ở Hà Nội hiện nay. Nghiên cứu cuối cùng được Trần Thị Họa My nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của Phật Giáo tại Thái Lan để khẳng định vai trò của Phật giáo, tăng đoàn Phật giáo và phật tử trong hòa hợp dân tộc tại Thái Lan giai đoạn thế kỷ XIX-XX.
Ban Biên tập Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn xin trân trọng gửi lời cám ơn tới các nhà khoa học đã tham gia gửi bài, phản biện cho Tạp chí trong thời gian qua nói chung, và số chuyên san này nói riêng và mong muốn tiếp tục nhận được sự đóng góp của các nhà khoa học đối với Tạp chí trong thời gian tới.
BAN BIÊN TẬP
Tác giả: Lại Quốc Khánh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn