Bài viết cung cấp một kết quả quan sát về bức tranh dịch thuật văn học hiện đương đại Trung Quốc ở Việt Nam trong 30 năm từ sau Đổi mới (1986-2016). Các hiện tượng văn học hiện đương đại Trung Quốc được dịch thuật và giới thiệu ở Việt Nam trong thời gian này chủ yếu tập trung vào hai bộ phận là văn học mới và văn học thời kỳ mới, tức là văn học những năm 1920, 1930 và văn học được sáng tác trong 20 năm cuối của thế kỷ XX.
Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy các dịch giả Việt Nam khi lựa chọn giới thiệu các nhà văn hoặc tác phẩm văn học Trung Quốc thường xoay quanh tiêu chí về “định vị văn học”, tức là lấy việc xác định vị trí của nhà văn, hoặc tác phẩm trong nền văn học Trung Quốc theo cách này hay cách khác làm lý do chính yếu khi giới thiệu và dịch thuật. Nếu như các dịch giả hàn lâm lựa chọn “định vị văn học sử” làm tiêu chí hàng đầu thì các dịch giả không bước ra từ truyền thống dịch thuật văn học lại bị chi phối mạnh mẽ bởi các tác động từ truyền thông cũng như thị hiếu của độc giả, họ coi trọng tiêu chí “định vị đại chúng”lấy việc tiếp nhận của đại chúng làm bản vị trong quá trình dịch thuật.
Trong bối cảnh đương đại, do các thành tựu nghiên cứu về văn học hiện đương đại Trung Quốc ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, tiếng nói của giới nghiên cứu hầu như không tạo ra được những tác động mang tính chất dẫn dắt, định hướng đối với cộng đồng độc giả tiếp nhận, các lựa chọn dịch thuật gắn với quan niệm “định vị văn học sử” vì thế không phát huy được các ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống xã hội. Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến sự lấn lướt của quan niệm “định vị đại chúng” so với “định vị văn học sử” trong dịch thuật cũng như tiếp nhận văn học hiện đương đại Trung Quốc ở Việt Nam.
Ngày nhận 14/7/2016; ngày chỉnh sửa 09/10/2016; ngày chấp nhận đăng 20/10/2016
Tác giả: Lại Quốc Khánh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn