Vai trò của vốn xã hội trong phát triển kinh tế nói chung và quá trình sản xuất nói riêng đã được nhiều nghiên cứu khẳng định. Tiêu thụ sản phẩm là công đoạn cuối của quy trình sản xuất và kinh doanh nhằm phân phối sản phẩm ra thị trường, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Bài viết này sẽ bàn về vốn xã hội của phụ nữ trong khâu tiêu thụ sản phẩm tiểu thủ công nghiệp ở hai làng nghề nổi tiếng thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội, cụ thể: làng Hạ Thái thuộc xã Duyên Thái sản xuất các sản phẩm sơn mài và làng Trát Cầu, xã Tiền Phong chuyên sản xuất chăn, ga, gối, đệm. Vốn xã hội của phụ nữ trong khâu tiêu thụ sản phẩm tiểu thủ công nghiệp được tìm hiểu dưới hai góc độ: Việc tìm kiếm khách hàng và giao dịch giữa phụ nữ sản xuất và các khách hàng quan trọng như cách thức đặt hàng, cách thức thanh toán, cam kết hai bên khi nợ tiền hàng, cách thức chuyển hàng. Dữ liệu mà bài viết sử dụng được lấy từ kết quả khảo sát do tác giả thực hiện tại hai địa bàn nói trên vào năm 2017, với cỡ mẫu phỏng vấn bảng hỏi là 395 phụ nữ và phỏng vấn sâu 20 phụ nữ. Kết quả nghiên cứu cho thấy vốn xã hội đã mang lại một số lợi ích nhất định cho phụ nữ ở hai địa bàn khảo sát khi họ tiêu thụ sản phẩm. Một số phụ nữ dựa vào mạng lưới xã hội của mình để tìm kiếm khách hàng. Những khách hàng quan trọng chủ yếu đến bên ngoài làng như tỉnh khác, huyện khác. Nghiên cứu cũng chỉ ra mối quan hệ giữa phụ nữ và các khách hàng tồn tại lòng tin được thể hiện qua cách đặt hàng chủ yếu qua điện thoại, thanh toán tiền sau khi chuyển hàng với hình thức cam kết đơn giản. Điều đó mang đến sự thuận tiện, tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí cho cả phụ nữ và khách hàng. Tuy nhiên, với cách làm này, phụ nữ hai làng nghề dễ rơi vào tình huống bị khách hàng không trả tiền. Thực tế cũng cho thấy, gần một nửa phụ nữ đã từng không lấy lại tiền từ khách hàng.
Ngày nhận 20/8/2018; ngày chỉnh sửa 27/12/2018; ngày chấp nhận đăng 28/12/2018
Tác giả: Lại Quốc Khánh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn