Nghiên cứu văn bản truyện Kiều theo phương pháp Hoàng Xuân Hãn

Thứ ba - 08/08/2017 17:08
Nghiên cứu văn bản truyện Kiều theo phương pháp Hoàng Xuân Hãn

1. Lịch sử một đường hướng nghiên cứu

Nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học xuất bản một ấn phẩm rất công phu gần 2000 trang mang tên “Kiều học tinh hoa”; tập hợp các bài nghiên cứu, bình luận công phu và đặc sắc nhất về Truyện Kiều cũng như Nguyễn Du từ trước đến nay.

Điều thú vị của cuốn sách này là phần mở đầu cho các bài nghiên cứu về Truyện Kiều; không phải là các bài nghiên cứu phê bình văn học đi sâu vào hướng phân tích chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa hiện thực của tác phẩm, hay vai trò của nó trong tiến trình văn học Việt Nam như chúng ta thường nghĩ; mà lại là “Các vấn đề nghiên cứu văn bản Truyện Kiều”. Các tác giả của phần này đa phần là các nhà ngôn ngữ học hàng đầu viết như Nguyễn Tài Cẩn, Cao Xuân Hạo, Đào Duy Anh.

Sự lựa chọn này cho thấy tầm quan trọng ngày càng gia tăng của việc nghiên cứu văn bản Truyện Kiều trong tổng thể các hướng tiếp cận Truyện Kiều, đặc biệt là theo hướng truy nguyên lại nguồn gốc bản Truyện Kiều cổ nhất, “gần với nguyên tác của Nguyễn Du” nhất. Việc này quan trọng bởi hai lẽ. Một là, thông qua việc sưu tập nhiều bản Kiều cổ nhằm phục vụ việc truy nguyên trên, giới nghiên cứu có thể tạo thành một ngữ liệu đồ sộ để tìm hiểu thêm về lịch sử ngôn ngữ dân tộc, lưu giữ được những vốn quý trong đời sống tinh thần cha ông. Hai là, Truyện Kiều thể hiện rất nhiều quan điểm văn hóa, lịch sử, tư tưởng, chính trị của thiên tài Nguyễn Du, vì thế mọi lập luận, suy đoán về tác phẩm này mà không dựa trên nền tảng là một văn bản gốc đều có khả năng trở nên “chủ quan, duy ý chí” của người nghiên cứu đương đại.

Thấy được tầm quan trọng ấy, ngay từ ngày đầu thành lập, Viện Văn học cũng như Đại học Sư phạm, Đại hoc Tổng hợp đã thực hiện các dự án công phu do các nhà khoa học xuất sắc phụ trách như Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh, Truyện Kiều do Nguyễn Thạch Giang hiệu đính và chú thích. Đó đều là vốn quý cho đến tận ngày nay. Thế nhưng, do những hạn chế nhất định của giai đoạn đó, các tác giả chưa thể hoàn thiện đến triệt để các phương pháp mà mình đề ra, hoặc chưa thu thập được tối đa các bản Truyện Kiều rải rác khắp nơi với đủ nguồn gốc phức tạp.

Gần như đồng thời với các nghiên cứu trên, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn tại Pháp đã phát triển tác phẩm Kiều tầm nguyên với kim chỉ nam là phục dựng cho được bản gần với nguyên tác của Nguyễn Du nhất thông qua việc tập hợp nhiều bản Kiều cổ, sau đó áp dụng triệt để một bộ tiêu chí chặt chẽ, mang tính liên ngành từ các ngành văn học, ngôn ngữ học, văn tự học, sử học,… để giải đáp đến cùng các tồn nghi về câu chữ khác nhau giữa các bản, từ đó thống nhất được bản của Nguyễn Du đã viết như thế nào, mà không thừa nhận bất kỳ sự sửa chữa nào của người khác ngoài Nguyễn Du, dù sửa chữa có hay hơn nguyên tác đi nữa. Ý tưởng cũng như phương pháp của Hoàng Xuân Hãn khởi phát từ vốn tri thức bách khoa của ông về lịch sử dân tộc cũng như chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của trường phái Pháp trong việc phục dựng các kiệt tác cổ. Tiếc thay, công trình này chưa được công bố thì Giáo sư đã từ trần, chỉ còn lại một vài bài viết, phỏng vấn cho thấy được những phác thảo ban đầu cũng như nền tảng căn bản của “phương pháp Hoàng Xuân Hãn”.

Không thể để hướng tiếp cận đầy triển vọng ấy dang dở, hai học giả Đào Thái Tôn và Nguyễn Tài Cẩn tiếp nối phương pháp Hoàng Xuân Hãn kèm với những thế mạnh nghiên cứu của riêng mình (PGS.TS. Đào Thái Tôn là chuyên gia về văn tự học chữ Nôm, GS. Nguyễn Tài Cẩn là chuyên gia về ngôn ngữ học lịch sử), đã cho ra đời những tác phẩm rất quan trọng: Đào Thái Tôn (2001): Văn bản Truyện Kiều-Nghiên cứu và thảo luận; Nguyễn Tài Cẩn (2002): Tư liệu Truyện Kiều. Bản Duy Minh Thị 1872; Nguyễn Tài Cẩn (2004): Tư liệu Truyện Kiều từ bản Duy Minh Thị đến Kiều Oánh Mậu; Nguyễn Tài Cẩn (2008): Tư liệu Truyện Kiều. Thử tìm hiểu bản sơ thảo Đoạn Trường tân thanh. Từ các tác phẩm này, “phương pháp Hoàng Xuân Hãn” thể hiện tính mở đường quan trọng của nó trong việc mở ra nhiều khả thể nghiên cứu văn bản Truyện Kiều cũng như hứa hẹn đến cái đích cuối cùng là nguyên bản Truyện Kiều. Hai tác giả còn ấp ủ nhiều công trình tiếp theo ở chủ đề này nhưng cả hai đều ra đi đột ngột năm 2011 để lại tổn thất to lớn cho giới nghiên cứu Truyện Kiều nói riêng và ngôn ngữ học nói chung.

Trong thời gian rất gần đây, “phương pháp Hoàng Xuân Hãn” tiếp tục được nối dài với các công trình có ứng dụng công nghệ phân tích văn bản như Nguyễn Tuấn Cường với Phác thảo phương hướng biên khảo bản “Truyện Kiều tầm nguyên tập giải” trong điều kiện mới và nhóm Nôm Na với Năm phiên bản Truyện Kiều và những vấn đề phân tích nguyên bản.

Cả một giai đoạn nghiên cứu sôi động như trên được tái hiện rõ nét trong cuốn “Nghiên cứu văn bản Truyện Kiều theo phương pháp Hoàng Xuân Hãn” do chuyên gia Lê Thành Lân biên soạn. Những gì chúng tôi vừa tóm tắt trên chỉ là một phần nhỏ trong chặng đường nghiên cứu không ngừng nghỉ của các nhà nghiên cứu xuất hiện trong tập sách.

2. Từ Hoàng Xuân Hãn đến Đào Thái Tôn và Nguyễn Tài Cẩn

Cuốn sách được chia làm ba phần chính. Phần 1 “Mở đường” giới thiệu bài phỏng vấn giáo sư Hoàng Xuân Hãn từ đó làm cơ sở xác lập cho “phương pháp Hoàng Xuân Hãn”. Phần 2 “Khẳng định” chủ yếu giới thiệu gần 30 bài của Đào Thái Tôn tập trung vào các chữ cần phải có kiến giải khoa học và triệt để hơn như “gươm đàn”, “trùng san”, “ngải trương”. Phần 3 “Triển khai” chủ yếu giới thiệu hơn 30 bài của Nguyễn Tài Cẩn về các vấn đề liên quan đến văn bản học và ngôn ngữ học lịch sử trong việc truy nguyên Truyện Kiều và gần 20 bài của Lê Thành Lân tổng kết một số vấn đề quan trọng từ các thảo luận và tranh cãi có liên quan đến “phương pháp Hoàng Xuân Hãn”

Xương sống của “phương pháp Hoàng Xuân Hãn” là kiên trì việc tìm ra bản Kiều nào xưa nhất dựa trên việc thu thập và xử lý rất nhiều bản viết tay. Tình hình chung của thời Nguyễn Du là người ta sao chép Truyện Kiều thành rất nhiều bản viết tay, mỗi người chép lại đọc đến câu nào thấy theo ý mình là “không hay, không chuẩn” lại tự tay sửa đi một vài chữ, hoặc đến bản khắc để in thì người khắc lại khắc sai vài nét dẫn đến tình trạng “tam sao thất bản” nghiêm trọng. Sau đấy, những người nghiên cứu thời nay lại quá nệ vào các bản viết tay chữ nghĩa ngay ngắn chỉnh tể, có giấy má chứng thực đi kèm. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc truy nguyên bởi người hay chữ tạo ra các bản trên sẽ tạo ra nhiều cách sửa lắt léo.

Hoàng Xuân Hãn dựa vào các tiêu chí sau để tìm bản cổ nhất:

- Nội dung gần với truyện Tàu của Thanh Tâm Tài nhân nhất.

- Có những tiếng xứ Nghệ, quê cha Nguyễn Du.

- Chỉ có húy đời Gia Long, không có húy đời Minh Mạng.

- Kiêng một vài chữ húy theo tục lệ của gia đình.

- Có nhiều chữ cổ thời Nguyễn Du quen dùng.

Từ bộ tiêu chí trên, hai học giả Đào Thái Tôn và Nguyễn Tài Cẩn viết nhiều bài để làm cho các tiêu chí trên trở thành các bộ phương pháp thao tác cụ thể với văn bản. Điển hình nhất là Nguyễn Tài Cẩn, trong các bài viết được trích dẫn trong sách, chủ yếu là các bài bàn cụ thể về một vài tồn nghi về mặt ngôn ngữ trong các bản Kiều, ông đều đưa ra các tiêu chí phân tích văn bản rất rõ ràng rồi mới triển khai các bảng đối chiếu công phu cả về từ vựng lẫn ngữ âm, sau rốt mới kết luận phương án cuối cùng về các giả thuyết còn đang tồn nghi.

Nối dài ý tưởng của Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Tài Cẩn đặc biệt tập trung vào tiêu chí liên quan đến phương ngữ và kỵ húy nhằm phát huy tối đa thế mạnh của ngôn ngữ học lịch sử và ngữ âm học, đem lại các bằng chứng định lượng rõ rệt làm hậu thuẫn cho kết luận chung cục về niên đại của các bản Kiều cũng như những tranh cãi liên quan đến chữ “khó hiểu”. Các kết luận của Nguyễn Tài Cẩn khó có thể gây tranh cãi bởi chúng là kết quả của một quá trình làm việc chặt chẽ và sáng rõ, các thao tác nghiên cứu được hệ thống hóa và khả kiểm, kết hợp nhuần nhuyễn giữa phân tích định lượng (phê phán bên trong) đi trước và phân tích định tính (phê phán bên ngoài) đi sau nhằm giải quyết mọi khía cạnh của một vấn đề gây tranh cãi. Và đặc biệt là sự liên ngành chặt chẽ và hiệu quả giữa các chuyên ngành sâu của ngôn ngữ học (phương ngữ học, ngữ âm học lịch sử, ngôn ngữ học so sánh đối chiếu, nghiên cứu ngữ pháp,…) và giữa các ngành khoa học xã hội nhân văn với nhau (sử học, nghiên cứu văn học, văn tự học, ngôn ngữ học,…).

Ngoài ra, Nguyễn Tài Cẩn còn có đóng góp quan trọng trong việc mở rộng việc so sánh đến các bản chữ Quốc ngữ (sau này) và các bản được lưu truyền tại các vùng phương ngữ khác nhau và đôi khi là các văn bản văn học trung đại cổ hơn cả Truyện Kiều.

3. Một tác phẩm mẫu mực cho nghiên cứu liên ngành

Cuốn sách nên đọc với bất kỳ ai yêu thích Truyện Kiều, tất nhiên là vậy, nhưng nó càng cần được đọc hơn bởi bất kỳ ai nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn (nhất là theo hướng liên ngành) bởi mấy lẽ sau:

Hiệu quả và vẻ đẹp của nghiên cứu liên ngành: Với một bộ ngữ liệu đồ sộ như CÁC bản Truyện Kiều trong các thời kỳ lịch sử khác nhau, thì khung phân tích chỉ dừng lại tại một ngành là điều không thể. Nhưng khi đến từ nhiều ngành rồi, thì người nghiên cứu phải xây dựng tổng thể đó thế nào. Cuốn sách này là một hướng dẫn mẫu mực cho ai còn băn khoăn về mặt thiết kế nghiên cứu liên ngành.

Không chỉ dừng lại ở tính hiệu quả, trong cuốn sách này, người đọc có thể gặp rất nhiều bài viết nửa trên phân tích “lạnh lùng” bằng số liệu với hàng trang bảng biểu, nửa dưới phân tích “tài hoa” về thơ văn, về lẽ “tình nặng, ơn sâu” trong phận nổi trôi của Kiều. Chẳng mấy công trình khoa học lại đem đến “thú vui” kép đến thế.

Sự “chặt chẽ” nghiêm cẩn trong nghiên cứu Khoa học xã hội nhân văn: Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã làm việc với 9 bản Kiều, tương ứng 20 vạn 5 ngàn chữ, điều tra từng chữ một để hoàn thành các công trình của mình. Chính bởi sự chặt chẽ về phương pháp như trên kết hợp với nghiên cứu định lượng đã giúp giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, Đào Thái Tôn đưa ra các kết luận quan trọng để giải đáp các tranh cãi dai dẳng (thường bị rơi hẳn vào phê bình tiểu sử tác giả) về thời gian ra đời của tác phẩm, bản nào có thể tin cậy để lấy làm nghiên cứu (ngoài văn tự học), một số vấn đề về tư tưởng của Nguyễn Du thông qua một số câu quan trọng.

Việc nghiên cứu Truyện Kiều có thể đi theo nhiều hướng khác nhau, nhưng thiết nghĩ cần tránh những chỗ quá lạm vào suy đoán chủ quan của người nghiên cứu, dựa trên một vài câu chữ bề mặt chưa đáng tin tưởng mà “bình tán” thành các vấn đề vĩ mô kiểu như phong cách tác giả hay tư tưởng thời đại. Các bằng chứng xác thực đến từ ngôn ngữ tác phẩm vẫn là một chỉ dấu mở đường quan trọng, chứ không phải từ mục đích suy diễn của người nghiên cứu.

Sự “đồng thanh tương ứng” giữa các học giả chân chính: Đọc cuốn sách, không chỉ trân trọng tri thức của các tác giả, mà còn trân trọng tình đồng nghiệp gắn bó hàng chục năm giữa ba tác giả chính: Đào Thái Tôn, Nguyễn Tài Cẩn, Lê Thành Lân. Đọc mục lục là người đọc đã ít nhiều thấy được sự liên hoàn trước sau của các bài, thấy được sự gắn kết thống nhất về phương pháp luận rõ rệt, thấy được hành trình học thuật vừa nghiêm cẩn vừa thân tình giữa các tác giả. Một vấn đề lớn như văn bản Truyện Kiều, nếu không có các học giả tương thông liên kết với nhau, nối tiếp giữa nhiều thế hệ thì không thể giải quyết triệt để được. Đơn cử như, mới đọc qua dễ cảm thấy rằng Đào Thái Tôn và Nguyễn Tài Cẩn xung khắc trong việc chọn bản Kiều nào là bản cổ nhất, nhưng đọc tổng thể mới thấy được thực ra hai tác giả này đi theo hai hướng khác nhau để gộp lại thành một bức tranh tổng thể; đối thoại, kiểm nghiệm lẫn nhau mà hoàn thiện hơn “phương pháp Hoàng Xuân Hãn”.

Tác giả: Lại Quốc Khánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn

Được thành lập ngày 31/8/2015 (giấy phép hoạt động số 155/GP-BTTTT ngày 11 tháng 5 năm 2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông, mã số tiêu chuẩn quốc tế ISSN 2354-1172), Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn (Journal of Social Sciences and Humanities) là ấn phẩm khoa học chính thức, duy nhất của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, phát triển và kế thừa Chuyên san Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tạp chí Khoa học, ĐHQG Hà Nội.

Tạp chí xuất bản định kỳ (04 số tiếng Việt/năm và 02 số tiếng Anh/năm), có nhiệm vụ công bố, giới thiệu các công trình nghiên cứu khoa học khoa học xã hội và nhân văn của các tác giả là các nhà khoa học trong và ngoài nước, phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học. Hội đồng biên tập của Tạp chí hiện bao gồm 35 nhà khoa học có uy tín trong nước và quốc tế. Tạp chí tập trung và ưu tiên đăng tải những bài báo theo định hướng của tinh thần cởi mở, sáng tạo, nhanh chóng vươn lên để tiếp cận và sánh ngang với các tạp chí có uy tín hàng đầu của khu vực và trên thế giới. Nội dung chính của Tạp chí bao gồm các Bài nghiên cứu (khoảng 6000 đến 15000 từ), các bài điểm sách, thông tin khoa học (khoảng 300 đến 1500 từ) được trình bày theo đúng cấu trúc và chuẩn mực của một tạp chí khoa học.

Các bài viết của Tạp chí hiện đang được trích dẫn bởi Google Scholar, WorldCat, Open Archives, Cosmos Impact Factor, Advanced Sciences Index, Scientific Indexing Services, CrossRef, EBSCO Information Services.

Mọi thông tin xin liên hệ: Phòng Tạp chí, 611 - E, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. ĐT: 024.35581984; email: tckhxhnv@vnu.edu.vn hoặc tapchikhxhnv@gmail.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây