Ở Việt Nam cũng như nhiều nơi trên thế giới, sản xuất nông nghiệp theo hướng thị trường thường được xem là một phương cách hữu hiệu để người nông dân “thoát nghèo và làm giàu.” Không thể phủ nhận những thành quả do sản xuất nông nghiệp theo hướng thị trường đem lại cho cuộc sống của người dân ở các cộng đồng nông dân nông thôn. Phương cách sản xuất này đã tạo điều kiện cho người dân có thu nhập để hưởng thụ những tiện ích của xã hội hiện đại. Tuy nhiên, nếu xét ở cấp độ vi mô, việc tham gia vào sản xuất nông nghiệp theo hướng thị trường cũng đã khiến cho người dân phải đối mặt với nhiều thách thức.
Tư liệu khảo sát thực trạng sinh kế của các tộc người thiểu số tại chỗ ở hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk cho thấy, tuy một số dạng thức sinh kế sinh tồn hiện vẫn được duy trì ở một chừng mực nào đó để thực hiện chức năng vốn có của mình, song sản xuất nông nghiệp theo hướng thị trường hiện đang đóng vai trò chủ đạo trong sinh kế của người dân tại đây. Tại điểm khảo sát ở Đắk Lắk, người dân đã tham gia tích cực và mạnh mẽ vào trồng ngô lai, trong khi ở Lâm Đồng, cà phê là cây trồng chính. Hai loại nông sản này có vai trò quan trọng trong lĩnh vực xuất khẩu và chế biến của Việt Nam. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, sự phụ thuộc mạnh mẽ vào thị trường và tính bất ổn của thị trường nông nghiệp đã làm cho người dân bị cuốn vào vòng quay sản xuất – bất ổn – nợ- sản xuất trả nợ - bất ổn – nợ chưa có lối thoát.
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn