Trong sự phát triển của Việt Nam hiện nay, di sản, giá trị văn hóa đã và đang trở thành nguồn tài nguyên quan trọng. Sức mạnh và tiềm năng văn hóa đang được phát huy và chuyển hóa thành “sức mạnh mềm” (soft power) nhằm củng cố tiềm lực của đất nước và góp phần nâng cao vị thế quốc gia. Qua 30 năm đổi mới, từ chỗ coi trọng, tập trung vào việc phát triển kinh tế, càng ngày người ta càng nhận thức rõ hơn vai trò, sứ mệnh của văn hóa. Văn hóa chính là nền tảng cốt yếu của xã hội, là động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước. Thực tế phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới cũng cho thấy, hội nhập kinh tế tất yếu sẽ lan tỏa sang các lĩnh vực khác. Hội nhập kinh tế khó có thể thành công nếu thiếu hội nhập văn hóa và chính trị. Hội nhập kinh tế sẽ không hiệu quả nếu không có sự phối hợp và hội nhập sâu về chính trị và văn hóa. Ngược lại, nếu không hội nhập về văn hóa, thì hội nhập kinh tế, chính trị sẽ thiếu cơ sở vững chắc. Hễ nước nào tự đặt ra cho mình mục tiêu phát triển kinh tế mà tách rời môi trường văn hóa, không có chiến lược bảo tồn, phát triển văn hóa thì nhất định sẽ xảy ra hiện tượng mất cân đối nghiêm trọng cả về kinh tế, văn hóa và hậu quả có thể thấy được là, tính ổn định xã hội và năng lực sáng tạo của một dân tộc vì thế cũng sẽ bị triệt tiêu. Sự phát triển chung của thế giới hiện nay cho thấy, xu thế kinh tế hóa văn hóa và văn hóa hóa kinh tế đã và đang diễn ra. Từ đó, có thể dẫn đến quá trình nhất thể hóa giữa kinh tế với văn hóa để thực sự tạo nên Nền kinh tế văn hóa trong một xã hội hiện đại. Vì thế, để hướng tới xây dựng Nền kinh tế tri thức, Việt Nam cần tập trung nguồn lực xây dựng Nền kinh tế văn hoá (Cultural economy) mà trọng tâm là ngành công nghiệp văn hóa với một hệ thống hay chuỗi các sản phẩm văn hóa chứa đựng lượng thông tin, tri thức và năng lực sáng tạo cao.
Ngày nhận 20/9/2016; ngày chỉnh sửa 10/5/2017; ngày chấp nhận đăng 06/6/2017
Tác giả: Lại Quốc Khánh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn