Đô thị hóa và phát triển vùng Tây Nguyên (Sách chuyên khảo. Tác giả Hoàng Bá Thịnh. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016. ISBN: 978-604-5238-2)

Thứ bảy - 29/10/2016 04:47
Đô thị hóa và phát triển vùng Tây Nguyên Sách chuyên khảo Tác giả Hoàng Bá Thịnh Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội 2016 ISBN: 97860452382

Vùng Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh, xếp theo thứ tự vị trí địa lý từ Bắc xuống Nam là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk NôngLâm Đồng. Tây Nguyên là một tiểu vùng, cùng với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ hợp thành vùng Nam Trung Bộ, thuộc Trung Bộ Việt Nam. Là một trong sáu vùng kinh tế -sinh thái của nước ta hiện nay. Tây Nguyên có diện tích tự  nhiên 54.474 km2, chiếm 16,8% diện tích cả nước, dân số 5.607,9 ngàn người chiếm 6,1% dân số cả nước (năm 2015).  

Vùng Tây Nguyên có vị trí chiến lược  quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước; có hành lang tự nhiên với Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và hệ thống giao thông kết nối với các tỉnh duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ; các cửa khẩu quốc tế trên tuyến hành lang Đông-Tây và gần các cảng biển nước sâu vùng duyên hải Trung Bộ. Vùng Tây Nguyên có tiềm năng, lợi thế to lớn về đất đai, khoáng sản, tài nguyên khí hậu đặc thù và hệ động, thực vật đa dạng, phong phú để phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá quy mô lớn, tập trung; hệ thống danh lam, thắng cảnh thuận lợi để phát triển du lịch.

Đã có nhiều công trình nghiên cứu về vùng Tây Nguyên ở các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tộc người, về phong tục tập quán, với những công trình nổi tiếng của tác giả nước ngoài viết về Tây Nguyên. Trong khi đó, lại thiếu vắng công trình nghiên cứu về đô thị hóa và phát triển vùng Tây Nguyên.

Cuốn chuyên khảo này là kết quả của đề tài "Đô thị hóa và quản lý quá trình đô thị hóa trong phát triển bền vững vùng Tây Nguyên", mã số TN3/X15 thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước“Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên”, Mã số KHCN-TN3/11-15 (Chương trìnhTây Nguyên 3).

Với độ dài 374 trang, ngoài lời nói đầu, dẫn luận và tài liệu tham khảo, sách được cấu trúc với 8 chương, có thể chia làm hai phần chính: Phần đầu với 4 chương đề cập đến những vấn đề chung, gồm: Chương 1. Đô thị hóa  và quản lý đô thị: Định nghĩa và phân loại. Trong chương này, tác giả bàn khá kỹ về các khái niệm đô thị và đô thị hóa, phân biệt sự khác nhau giữa thành phố và đô thị. Bên cạnh đó, là những nội dung cơ bản về quản lý đô thị. Chương 2. Những cách tiếp cận và lý thuyết đô thị hóa, với quan điểm của C. Mác và Ph.Ăngghen về đô thị hóa, cách tiếp cận về đô thị hóa và một số lý thuyết xã hội học về đô thị hóa. Chương 3. Sơ lược về quá trình phát triển các thành phố, thị xã vùng Tây Nguyên: Giới thiệu khái quát về lịch sử hình thành và phát triển các đô thị lớn (thành phố, thị xã) vùng Tây Nguyên. Chương 4. Sơ lược về bốn mươi năm đô thị hóa Việt Nam. giới thiệu những nét cơ bản về các thập kỷ đô thị hóa Việt Nam từ năm 1975-2015.

Phần thứ hai của chuyên khảo này tập trung phân tích những chiều cạnh của đô thị hóa và phát triển vùng Tây, với 4 chương sách tập trung vào: Số lượng và loại hình đô thị (chương 5), những chiều cạnh cơ cấu kinh tế-xã hội (chương 6), những chiều cạnh giáo dục, y tế, văn hóa và môi trường (chương 7) và đô thị hóa, quản lý đô thị vùng Tây Nguyên: Cơ hội và thách thức (chương 8).

Đô thị hóa và phát triển là một chủ đề rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội và tự nhiên, cuốn sách này không bao quát tất cả các nội dung mà tập trung vào đô thị hóa Tây Nguyên trong thời kỳ Đổi mới, với những thay đổi về số lượng đô thị, loại hình đô thị, quy mô và không gian đô thị. Cùng với quá trình đô thị hóa là sự phát triển vùng Tây Nguyên, được thể hiện ở các chiều cạnh biến đổi về kinh tế, dân số, văn hóa, xã hội, điều kiện sống,v.v... Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực của đô thị hóa đến phát triển, cuốn sách cũng cho thấy những tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa đến môi trường, văn hóa truyền thống vùng Tây Nguyên. Sử dụng phương pháp phân tích so sánh, tác giả cố gắng chỉ ra sự thay đổi và phát triển vùng Tây Nguyên theo thời gian trong mối quan hệ với đô thị hóa.

Đây là cuốn chuyên khảo đầu tiên nghiên cứu về đô thị hóa vùng Tây Nguyên từ góc độ xã hội học, với dung lượng mẫu khảo sát lớn, kết hợp với các dữ liệu thống kê từ Trung ương và 5 tỉnh vùng Tây Nguyên, cuốn sách chuyển tải lượng tri thức khoa học phong phú. Đây là công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, có giá trị cao, là tài liệu tham khảo hữu ích cho các hệ đào tạo, nghiên cứu của nhiều ngành khoa học như xã hội học, đô thị học, nhân học, khoa học quản lý,v.v...

Tác giả: Lại Quốc Khánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn

Được thành lập ngày 31/8/2015 (giấy phép hoạt động số 155/GP-BTTTT ngày 11 tháng 5 năm 2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông, mã số tiêu chuẩn quốc tế ISSN 2354-1172), Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn (Journal of Social Sciences and Humanities) là ấn phẩm khoa học chính thức, duy nhất của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, phát triển và kế thừa Chuyên san Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tạp chí Khoa học, ĐHQG Hà Nội.

Tạp chí xuất bản định kỳ (04 số tiếng Việt/năm và 02 số tiếng Anh/năm), có nhiệm vụ công bố, giới thiệu các công trình nghiên cứu khoa học khoa học xã hội và nhân văn của các tác giả là các nhà khoa học trong và ngoài nước, phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học. Hội đồng biên tập của Tạp chí hiện bao gồm 35 nhà khoa học có uy tín trong nước và quốc tế. Tạp chí tập trung và ưu tiên đăng tải những bài báo theo định hướng của tinh thần cởi mở, sáng tạo, nhanh chóng vươn lên để tiếp cận và sánh ngang với các tạp chí có uy tín hàng đầu của khu vực và trên thế giới. Nội dung chính của Tạp chí bao gồm các Bài nghiên cứu (khoảng 6000 đến 15000 từ), các bài điểm sách, thông tin khoa học (khoảng 300 đến 1500 từ) được trình bày theo đúng cấu trúc và chuẩn mực của một tạp chí khoa học.

Các bài viết của Tạp chí hiện đang được trích dẫn bởi Google Scholar, WorldCat, Open Archives, Cosmos Impact Factor, Advanced Sciences Index, Scientific Indexing Services, CrossRef, EBSCO Information Services.

Mọi thông tin xin liên hệ: Phòng Tạp chí, 611 - E, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. ĐT: 024.35581984; email: tckhxhnv@vnu.edu.vn hoặc tapchikhxhnv@gmail.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây