Từ và từ vựng học tiếng Việt (Nguyễn Thiện Giáp, NXB ĐHQG Hà Nội, 2015)

Thứ sáu - 26/02/2016 16:15
Từ và từ vựng học tiếng Việt Nguyễn Thiện Giáp NXB ĐHQG Hà Nội 2015

1. Năm 2010, GS. TS. NGND Nguyễn Thiện Giáp đã được trao giải thưởnng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ với cụm công trình Từ và từ vựng học tiếng Việt. Năm 2015, cụm công trình này đã được Nxb ĐHQG Hà Nội tập hợp, in lại cũng vẫn dưới tên gọi Từ và Từ vựng học tiếng Việt. Cuốn Từ và Từ vựng học tiếng Việt là một cuốn sách dày dặn, với dung lượng 638 trang, khổ 16x24.

2.1. Từ và từ vựng học tiếng Việt là tập hợp của hai công trình Từ vựng học tiếng Việt (Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp 1985) và Vấn đề “từ” trong tiếng Việt (Nxb Giáo dục 2011). Cuốn Từ vựng học tiếng Việt vốn là một phiên bản mới, được phát triển từ cuốn Từ vựng tiếng Việt in năm 1978. Cuốn Vấn đề “từ” trong tiếng Việt cũng là một phiên bản mới, đã được phát triển nâng cấp từ cuốn Từ và nhận diện từ tiếng Việt in năm 1996. Tuy là tập hợp của cụm công trình được Giải thưởng Nhà nước, song Từ và Từ vựng học tiếng Việt không phải là một tập hợp cơ giới của hai cuốn sách vừa nêu cộng lại, mà là một sự tích hợp có sự sắp xếp lại bố cục cho hợp lí nhằm làm lộ rõ những luận điểm về những vấn đề quan trọng được tác giả đề cập nghiên cứu, có sự điều chỉnh một số thuật ngữ để tạo sự nhất quán và tương thích với những công trình được tác giả mới công bố gần đây (như 777 khái niệm ngôn ngữ học 2010), có bổ sung một số mục, một số tri thức mới nhằm đảm bảo tính cập nhật của cuốn sách so với chính những công trình cũng đã được tác giả mới công bố (như Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ 2012; Nghĩa học Việt ngữ 2014).

2.2. Từ và từ vựng học tiếng Việt đã được bổ sung và được kết cấu lại thành hai phần lớn, với tổng thể gồm 23 chương, cụ thể như sau:

Phần thứ nhất: Từ vựng học tiếng Việt gồm 19 chương, được bố cục thành: Phần I. Dẫn luận gồm Chương 1. Từ vựng và từ vựng học, Chương 2. Các lí thuyết và phương pháp nghiên cứu từ vựng học; Phần II. Vấn đề nhận diện và phân loại các đơn vị từ vựng tiếng Việt gồm Chương 3. Từ ngữ tiếng Việt hiện đại, Chương 4. Những hiện tượng biên trong từ vựng tiếng Việt; Phần III. Cơ cấu ngữ nghĩa của từ vựng tiếng Việt gồm Chương 5. Nghĩa và các bình diện của nghĩa, Chương 6. Sự biến đổi ý nghĩa của đơn vị từ vựng, Chương 7. Hiện tượng đa nghĩa, Chương 8. Hiện tượng đồng âm, Chương 9 Hiện tượng đồng nghĩa, Chương 10. Hiện tượng trái nghĩa, Chương 11. Hiện tượng từ tương tự, Chương 12. bao nghĩa và tổng phân nghĩa (chương này được viết mới hoàn toàn), Chương 13. Trường nghĩa; Phần IV. Sự hình thành, tồn tại và phát triển của từ vựng tiếng Việt gồm Chương 14. Phân tích từ vựng tiếng Việt về mặt nguồn gốc, Chương 15. Phân tích từ vựng tiếng Việt về mặt phạm vi sử dụng, Chương 16. Phân tích từ vựng tiếng Việt về mặt mức độ sử dụng, Chương 17. Phân tích từ vựng tiếng Việt về mặt phong cách học, Chương 18. Sự phát triển của từ vựng tiếng Việt, Chương 19. Vấn đề chuẩn hoá từ vựng tiếng Việt. Phần thứ hai: Vấn đề “từ” trong tiếng Việt gồm 4 chương, cụ thể là các chương: Những vấn đề lí luận trong việc xác lập khái niệm từ; Lịch sử nghiên cứu vấn đề “từ” trong tiếng Việt; Từ trong hệ thống tiếng Việt; Ngữ - đơn vị từ vựng tương đương với từ trong tiếng Việt.

2.3. Một bố cục gồm hai phần lớn với các chương sắp xếp theo trình tự như vậy là một bố cục hợp lí, đảm bảo được tính mạch lạc của công trình, giúp người đọc dễ dàng tiếp cận vấn đề từ dễ đến khó, từ kiến thức có tính chất giáo trình nói chung đến một số vấn đề thảo luận, nghiên cứu sâu nói riêng. Có thể xem Từ và từ vựng học tiếng Việt là một công trình chuyên biệt, toàn diện và hệ thống nhất của tác giả về vấn đề từ và từ vựng tiếng Việt. Và cũng có thể xem Từ và từ vựng học tiếng Việt là nhóm công trình quan trọng nhất (cùng với nhóm các giáo trình cơ sở về ngôn ngữ học (Dẫn luận ngôn ngữ học 1994; Cơ sở ngôn ngữ học 1998; Giáo trình ngôn ngữ học 2008), nhóm giáo trình về lịch sử Việt ngữ học (Lược sử Việt ngữ học, tập 1 (2005) và tập 2 (2007)), nhóm giáo trình về phương pháp và phương pháp luận nghiên cứu ngôn ngữ (Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ 2012), nhóm giáo trình về ngữ nghĩa học và ngữ dụng học (Dụng học Việt ngữ 2000; Nghĩa học Việt ngữ 2014), chuyên khảo Những lĩnh vực ứng dụng của Việt ngữ học 2006, 777 khái niệm ngôn ngữ học 2010), đã làm nên tên tuổi của tác giả trong giới nghiên cứu ngôn ngữ.

3.1.  Vấn đề nhận diện/định nghĩa từ, và theo đó là miêu tả và phân loại từ, cho đến nay vẫn là một trong những vấn đề có tính chất cơ sở và căn bản nhất (như định nghĩa câu, phân giới lịch sử ngôn ngữ, định ranh giới ngôn ngữ, phương ngữ, cơ chế tổ chức nội bộ của từ và câu,…) của việc nghiên cứu ngôn ngữ vẫn chưa có được sự thống nhất ở bậc đại cương, cụ thể là chưa có được một định nghĩa có giá trị phổ quát (universal definition). Ngành khoa học nào cũng có một danh sách những vấn đề hết sức căn bản, được nghiên cứu từ sớm nhưng vẫn chưa được giải quyết. Trong danh sách những vấn đề chưa được giải quyết của ngôn ngữ học thì vấn đề từ, định nghĩa từ luôn được nêu lên trong vị trí thứ nhất.

3.2. Việc nhận diện, miêu tả và phân loại các đơn vị từ vựng, mà cụ thể và trước hết là đơn vị từ, thuộc về giao diện của hai mảng nghiên cứu lớn nhất trong cơ cấu ngôn ngữ học là từ vựng học và ngữ pháp học, liên quan trực tiếp đến những vấn đề căn cốt có tính chất lí thuyết đối với các loại hình ngôn ngữ nói chung và loại hình ngôn ngữ đơn tiết, đơn lập, không biến hình như tiếng Việt nói riêng, đến những vấn đề có tính chất thực tiễn của thể chất của một loại đơn vị vẫn còn gây nhiều bàn cãi “từ-tiếng/chữ-hình vị” của chính những ngôn ngữ phương Đông nói chung và tiếng Việt nói riêng. Việc phải giải quyết vấn đề này đơn thuần chỉ là điểm xuất phát cho việc nghiên cứu khoa học, thế nhưng việc giải quyết được vấn đề này như thế nào không thì chỉ thuần tuý là điểm đến của quá trình nghiên cứu khoa học mà còn là điểm bắt đầu cho một hệ thống quan điểm nghiên cứu, tiếp cận riêng về hàng loạt vấn đề khác, có liên quan, như nhận diện và miêu tả các đơn vị có nghĩa dưới từ và trên từ,…

3.3. Như thế, có thể nói vấn đề từ luôn là một vấn đề trọng tâm của việc nghiên cứu ngôn ngữ nói chung và của Việt ngữ học nói riêng.

Trong tiếng Việt, người ta thấy có một đơn vị tồn tại một cách tự nhiên, hiển nhiên và hết sức thân thuộc với tâm lí bản ngữ là tiếng. Vậy tiếng có mối quan hệ như thế nào với những đơn vị đã được mặc nhiên thừa nhận ở bậc đại cương là từ, là hình vị, là âm tiết, thậm chí trong một chừng mực nào đó là cả âm vị (cho nên, không phải ngẫu nhiên mà một số người như Lê Văn Lí, Trần Ngọc Thêm cho rằng trong tiếng Việt có thể tồn tại cả những hình vị nhỏ hơn âm tiết)? Để góp phần trả lời câu hỏi này, vào những năm 1980, tạp chí Ngôn ngữ đã mở ra một cuộc tranh luận về mối quan hệ từ-tiếng-hình vị.  Nhiều nhà ngôn ngữ học, như Hoàng Tuệ, Đỗ Hữu Châu, Lưu Vân Lăng, Đinh Văn Đức, Cao Xuân Hạo, Diệp Quang Ban,… đã tham gia vào cuộc tranh luận này.

Lấy tiếng là xuất phát điểm, ta thấy đã có hai khuynh hướng trả lời câu hỏi này. Khuynh hướng thứ nhất là khuynh hướng coi từ có thể là tiếng. Khuynh hướng thứ hai là khuynh hướng coi từ có thể là tiếng và có thể là tổ hợp của tiếng. Khuynh hướng thứ hai là khuynh hướng của đa số các nhà nghiên cứu.

3.4. Đi theo khuynh hướng thứ nhất, và cũng là tiếng nói chủ chốt để minh chứng khuynh hướng này, Nguyễn Thiện Giáp đã tự tạo dựng cho mình một hệ thống lí thuyết, quan điểm riêng, hết sức độc đáo. Từ và từ vựng học tiếng Việt là cụm công trình thể hiện tập trung, toàn diện và hệ thống nhất quan điểm này của tác giả. Cách tác giả xử lí vấn đề “từ” trong tiếng Việt chính là cơ sở lí luận khoa học, là điểm xuất phát cho mọi vấn đề tác giả viết về từ vựng tiếng Việt. Cái mới của Từ và từ vựng học tiếng Việt và cũng là điểm khác biệt của tác giả với tất cả các tác giả khác chính là việc đề xuất một cách xác định từ và hình vị tiếng Việt dựa trên lí thuyết tâm biên, mà ngày nay chúng ta hay gọi là lí thuyết điển mẫu.

3.5. Có thể gói gọn hệ thống quan điểm mới của riêng tác giả Từ và từ vựng học tiếng Việt trong những luận điểm sau:

- Từ tiếng Việt là đơn vị có nghĩa, nhỏ nhất, có tính hoàn chỉnh và khả năng tách biệt khỏi các đơn vị khác, nó có hình thức là một âm tiết, một chữ viết liền. Nếu coi hình vị là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa của ngôn ngữ thì từ của tiếng Việt cũng có ranh giới trùng với hình vị.

- Ngữ là những cụm từ có sẵn, có giá trị tương đương với từ. Có nhiều kiểu ngữ khác nhau (nói theo cách nói của truyền thống và của đa số mọi người là từ ghép, từ láy, ngữ định danh, ngữ láy âm, thành ngữ, quán ngữ) nhưng chúng đều do các từ kết hợp với nhau mà thành. 

- Bên cạnh các từ và ngữ, trong tiếng Việt còn có cả những đơn vị được cấu tạo từ những âm tiết vô nghĩa như bồ câu, bồ hóng, a pa tít,…Những đơn vị này được xem là những đơn vị phản quy tắc của tiếng Việt. Những đơn vị phản quy tắc là những đơn vị không có hoặc không có đầy đủ các thuộc tính như những từ điển hình. Không thể coi những âm tiết vô nghĩa trong những từ ngữ phản quy tắc như thế này là từ hay hình vị.

- Các từ khi tham gia cấu tạo những đơn vị phức tạp hơn thường mất đi tính độc lập trong sử dụng của mình, thậm chí nhiều đơn vị còn trở nên mờ nghĩa hoặc trống nghĩa (như au trong đỏ au, ngắt trong xanh ngắt, chiền trong chùa chiền, cả trong giá cả,…).

- Như vậy, theo tác giả Nguyễn Thiện Giáp, nếu nhất quán coi từ của tiếng Việt trùng với hình vị và âm tiết thì sẽ thoát được “cái vòng kim cô” lâu nay vẫn thường bám đuổi giới nghiên cứu là yêu cầu phân biệt một cách rách ròi và dứt khoát giữa cái được gọi là từ đơn và hình vị, từ ghép và cụm từ tự do, từ ghép và cụm cố định,…; dễ dàng làm rõ được bản sắc ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, đồng thời cũng chứng minh được truyền thống và hiện đại là liên thông, nhất quán.

4.1. Quan niệm về từ và ngữ tiếng Việt của tác giả như trên đã được đưa ra một cách chính thức từ rất sớm, trong cuốn Từ vựng tiếng Việt in năm 1978. Sau đó, quan niệm này đã được phát triển thành luận án phó tiến sĩ (nay gọi là Tiến sĩ) với đề tài Vấn đề phân định ranh giới trong những đơn vị thường được gọi là từ của tiếng Việt. Luận án này chính là một tiếng nói quan trọng, có tính chất trường quy ở bậc Tiến sĩ duy nhất, dành để bàn về mối quan hệ từ-tiếng-hình vị. Quan niệm này, về sau, tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện và phát triển trong Từ và nhận diện từ trong tiếng Việt 1996; Vấn đề “từ” trong tiếng Việt 2011.

4.2. Quan niệm về từ và ngữ của tác giả như vậy có thể được xem là một sự trở lại (nhưng đã được tác giả chứng minh chặt chẽ, triệt để và nhất quán) quan niệm coi “tiếng Việt là tiếng đơn âm, mỗi từ là một âm tiết” đã từng tồn tại từ trước những năm 1945 trong quan niệm của nhiều người, ví dụ như G. Aubarey, Trương Vĩnh Ký, Trần Trọng Kim,... Quan điểm này dù đã nhận được tiếng nói chia sẻ dưới các hình thức khác nhau của một số nhà ngôn ngữ học đầu đàn, có uy tín đương thời, ví dụ như Nguyễn Tài Cẩn, Cao Xuân Hạo, M. B. Emeneau, nhưng trên thực tế, do có nhiều điểm khác với quan điểm của nhiều nhà Việt ngữ cho nên cũng đã gặp phải không ít tiếng nói phản biện, trái chiều. Quan niệm độc đáo và có vẻ cực đoan như trên, đôi lúc, khiến một số người dường như đã có cảm giác rằng tác giả đã gạt bỏ những đơn vị cụ thể khá thân thuộc (như từ ghép, từ phức) đối với cảm thức bản ngữ ra khỏi danh sách phân loại của mình, ra khỏi ngữ vựng của tiếng Việt. Trên thực tế, các thực thể thân thuộc như vậy không hề bị tác giả loại khỏi hệ thống quan điểm và các thao tác làm việc của mình, tác giả chỉ làm một việc là điều chỉnh và sắp lại tên gọi và vị trí tồn tại của chúng trong cơ cấu tiếng Việt mà thôi. Về bản chất, cách điều chỉnh và sắp xếp những thực thể mà tác giả gọi là ngữ ấy cũng không khác gì những điều chỉnh và sắp xếp vốn rất khác nhau, rất lệch nhau của những nhà nghiên cứu khác về cái mà họ thường gọi là từ ghép. Chỉ có điều, nhìn bề ngoài, do Nguyễn Thiện Giáp đứng ở một lập trường xuất phát duy nhất, cho nên người ta dễ đi đến cái cảm giác rằng những sắp xếp điều chỉnh đó có vẻ khiên cưỡng với cảm thức bản ngữ. Tuy nhiên, đứng từ góc độ phương pháp làm việc, không thể phủ nhận được rằng hệ thống quan điểm của tác giả như vậy trước sau đều rất nhất quán. Nếu một ai đó đứng từ lập trường nghiên cứu như của tác giả, thì dứt khoát không thể không đi đến những kết luận như của tác giả. Trong khoa học, sự nhất quán để đi đến cùng kiệt của vấn đề là một việc làm cần thiết. Cuộc sống thường ngày đôi khi cần phải linh động, thậm chí đôi lúc còn bị rơi vào trạng thái “ba phải”, “chiết trung”, nhưng trong khoa học nếu không nhất quán thì dễ dàng rơi vào trạng thái “đẽo cày giữa đường”, “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Sự đóng góp cụ thể cho khoa học được bắt đầu từ sự nhất quán, thậm chí là từ sự nhất quán đến mức cùng cực.

4.3. Tóm lại, bất cứ ai dù tán đồng hay chưa tán đồng hệ thống quan điểm của tác giả Từ và từ vựng học tiếng Việt thì cũng không thể phủ nhận được rằng hệ thống quan điểm, phương pháp và thao tác làm việc của tác giả là rất nhất quán và triệt để. Từ và từ vựng học tiếng Việt là một tập tài liệu tham khảo không thể thiếu được đối với những ai muốn nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam. Với Từ và từ vựng học tiếng Việt, tác giả Nguyễn Thiện giáp đã “không chỉ đòi hỏi chính bản thân mình tìm sự thật, mà còn phải tìm thấy sự thật đó” (Diderot) trong tiếng Việt.

 

Tác giả: Lâm Thị Mỹ Dung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn

Được thành lập ngày 31/8/2015 (giấy phép hoạt động số 155/GP-BTTTT ngày 11 tháng 5 năm 2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông, mã số tiêu chuẩn quốc tế ISSN 2354-1172), Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn (Journal of Social Sciences and Humanities) là ấn phẩm khoa học chính thức, duy nhất của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, phát triển và kế thừa Chuyên san Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tạp chí Khoa học, ĐHQG Hà Nội.

Tạp chí xuất bản định kỳ (04 số tiếng Việt/năm và 02 số tiếng Anh/năm), có nhiệm vụ công bố, giới thiệu các công trình nghiên cứu khoa học khoa học xã hội và nhân văn của các tác giả là các nhà khoa học trong và ngoài nước, phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học. Hội đồng biên tập của Tạp chí hiện bao gồm 35 nhà khoa học có uy tín trong nước và quốc tế. Tạp chí tập trung và ưu tiên đăng tải những bài báo theo định hướng của tinh thần cởi mở, sáng tạo, nhanh chóng vươn lên để tiếp cận và sánh ngang với các tạp chí có uy tín hàng đầu của khu vực và trên thế giới. Nội dung chính của Tạp chí bao gồm các Bài nghiên cứu (khoảng 6000 đến 15000 từ), các bài điểm sách, thông tin khoa học (khoảng 300 đến 1500 từ) được trình bày theo đúng cấu trúc và chuẩn mực của một tạp chí khoa học.

Các bài viết của Tạp chí hiện đang được trích dẫn bởi Google Scholar, WorldCat, Open Archives, Cosmos Impact Factor, Advanced Sciences Index, Scientific Indexing Services, CrossRef, EBSCO Information Services.

Mọi thông tin xin liên hệ: Phòng Tạp chí, 611 - E, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. ĐT: 024.35581984; email: tckhxhnv@vnu.edu.vn hoặc tapchikhxhnv@gmail.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây