Việt Nam học là một ngành khoa học có mã số độc lập, có đối tượng và phương pháp tiếp cận mang đặc thù tương đối. Cũng như các khái niệm “Huế học”, “Hà Nội học”, Việt Nam học chọn hướng nghiên cứu, khai thác những khía cạnh đặc trưng của đất nước, con người và văn hóa Việt Nam ở từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Tôn giáo, tín ngưỡng là một bộ phận cấu thành nền văn hóa Việt Nam. Dù là tôn giáo ngoại nhập hay tôn giáo nội sinh thì các tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam đều đã mang những đặc trưng riêng gắn với đặc điểm vị trí địa lý, tâm thức cũng như văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Xác định Việt Nam học là một chuyên ngành độc lập, việc lựa chọn công trình nghiên cứu (của cả giảng viên, sinh viên) và nội dung giảng dạy học phần về tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam cho chuyên ngành Việt Nam học hiện nay cần phải chọn góc tiếp cận chủ yếu là chuyên ngành này để làm rõ, nổi bật yếu tố “Việt Nam” ẩn chứa trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay, góp phần bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đồng thời, thông qua đó, chúng ta khẳng định thêm Việt Nam học là một hướng nghiên cứu có lối đi riêng. Bằng phương pháp phân tích, tổng hợp, đối chiếu và khái quát hóa, bài viết này sẽ trình bày một số vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan, trong đó trực tiếp đề cập đến vấn đề khái niệm, hướng tiếp cận chuyên ngành Việt Nam học, từ đó đề xuất những nội dung nghiên cứu và giảng dạy tôn giáo và tín ngưỡng Việt Nam trong đào tạo chuyên ngành này hiện nay.
Ngày nhận 07/11/2018; ngày chỉnh sửa 13/01/2019; ngày chấp nhận đăng 28/02/2019
Tác giả: Lại Quốc Khánh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn