Thiết chế chính trị Việt Nam thời kỳ quân chủ không tồn tại chế độ dân chủ. Tuy nhiên, có một thực tế, các triều đại phong kiến ở nước ta đều coi trọng dân chúng, xây dựng bệ đỡ xã hội dựa trên sự đồng thuận và hậu thuẫn của người dân. Xét bản chất, đó chính là vì sự tồn vong của vương triều và chế độ. Tư tưởng “dĩ dân vi bản”, theo thời gian có thể thay đổi về nội dung hay hình thức biểu hiện, nhưng vẫn giữ nguyên giá trị. Ngày nay, “lấy dân làm gốc”, “phát huy quyền làm chủ của nhân dân” là một chủ trương đúng đắn, trở thành mục tiêu và động lực đổi mới của Nhà nước ta-Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình thực hiện cũng bộc lộ không ít bất cập và hạn chế. Từ tiếp cận sử học, thông qua khảo cứu và phân tích tư liệu chính sử, cổ luật, bài viết này tập trung nghiên cứu tư tưởng và chính sách cai trị dân của các triều đại Lý-Trần và Lê sơ ở Việt Nam thế kỷ XI-XV. Nghiên cứu cho thấy, tuy cùng xuất phát từ tư tưởng trọng dân, nhưng với hai quan điểm chính trị và phương thức quản lý khác nhau đã dẫn tới những kết quả hoàn toàn trái ngược. Những kinh nghiệm và bài học lịch sử được rút ra sẽ có đóng góp nhất định cho thực tiễn ở nước ta hiện nay.
Tác giả: Lâm Thị Mỹ Dung
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn